Giảm thuế GTGT 2% từ 01/7/2025 đến hết 31/12/2026

Phần Mềm Phân Tích Tài Chính

Giảm thuế GTGT 2% từ 01/7/2025 đến hết 31/12/2026

Ngày đăng: 03/07/2025 05:27 PM

    I. Giảm thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%

    Nghị định 174/2025/NĐ-CP quy định việc giảm thuế VAT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%. Tuy nhiên, không phải tất cả các sản phẩm và dịch vụ đều được áp dụng mức thuế giảm này.

    Các nhóm hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế bao gồm:

    Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất. Chi tiết tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị định này.

    Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ xăng).. Chi tiết tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

    Việc giảm thuế giá trị gia tăng cho từng loại hàng hóa, dịch vụ được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại.

    Trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ được liệt kê tại các Phụ lục I và II kèm theo Nghị định này thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) hoặc thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 5% theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng, thì các đối tượng này sẽ được áp dụng theo các quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành và không được áp dụng chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị quyết 204/2025/QH15.

    II. Mức giảm thuế GTGT

    Mức giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) được quy định:

    Đối với cơ sở kinh doanh áp dụng phương pháp khấu trừ thuế GTGT: Mức thuế suất thuế GTGT áp dụng là 8% đối với các hàng hóa, dịch vụ được quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 174/2025/NĐ-CP.

    Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 174/2025/NĐ-CP.

    III. Trình tự, thủ tục thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT)

    Đối với cơ sở kinh doanh quy định tại điểm 1 nêu trên, khi lập hoá đơn giá trị gia tăng cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng, tại dòng thuế suất thuế giá trị gia tăng ghi “8%"; tiền thuế giá trị gia tăng; tổng số tiền người mua phải thanh toán. Căn cứ hóa đơn giá trị gia tăng, cơ sở kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ kê khai thuế giá trị gia tăng đầu ra, cơ sở kinh doanh mua hàng hóa, dịch vụ kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào theo số thuế đã giảm ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng.

    Đối với cơ sở kinh doanh quy định tại điểm 2 nêu trên, khi lập hoá đơn bán hàng cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng, tại cột “Thành tiền” ghi đầy đủ tiền hàng hóa, dịch vụ trước khi giảm, tại dòng “Cộng tiền hàng hóa, dịch vụ" ghi theo số đã giảm 20% mức tỷ lệ % trên doanh thu, đồng thời ghi chú: “đã giảm... (số tiền) tương ứng 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết 204/2025/QH15".

    Trường hợp cơ sở kinh doanh theo quy định tại điểm 1 nêu trên, khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ áp dụng các mức thuế suất khác nhau thì trên hóa đơn giá trị gia tăng phải ghi rõ thuế suất của từng hàng hóa, dịch vụ.

    Trường hợp cơ sở kinh doanh theo quy định tại điểm 2 nêu trên khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ thì trên hóa đơn bán hàng phải ghi rõ số tiền được giảm.

    Trường hợp cơ sở kinh doanh đã lập hóa đơn và đã kê khai theo mức thuế suất hoặc mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng chưa được giảm theo quy định tại Nghị định này thì người bán và người mua xử lý hóa đơn đã lập theo quy định pháp luật về hóa đơn, chứng tử. Căn cứ vào hóa đơn sau khi xử lý, người bán kê khai điều chỉnh thuế đầu ra, người mua kê khai điều chỉnh thuế đầu vào (nếu có).

    IV. Lợi ích từ chính sách giảm thuế GTGT đối với người dân và doanh nghiệp

    1. Đối Với Người Dân

    Người dân là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách giảm thuế GTGT 2%. Khi mức thuế giảm từ 10% xuống 8%, giá cả hàng hóa và dịch vụ sẽ giảm tương ứng, mang lại nhiều lợi ích thiết thực trong cuộc sống hàng ngày:

    • Giảm chi phí sinh hoạt: Giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, quần áo, đồ gia dụng hay dịch vụ y tế, giáo dục giảm sẽ giúp người dân tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể trong chi tiêu hàng tháng.
    • Nâng cao chất lượng cuộc sống: Số tiền tiết kiệm từ việc giảm thuế có thể được sử dụng để đầu tư vào các nhu cầu khác như giải trí, học tập hoặc chăm sóc sức khỏe, từ đó cải thiện mức sống của từng hộ gia đình.
    • Tăng sức mua trong các lĩnh vực thiết yếu: Chính sách này đặc biệt hỗ trợ các gia đình có thu nhập trung bình và thấp, khuyến khích tiêu dùng nhiều hơn cho các nhu cầu thiết yếu, từ đó cải thiện đời sống.
    • Hỗ trợ trong bối cảnh kinh tế biến động: Trong giai đoạn giá cả có thể leo thang hoặc lạm phát tiềm ẩn, việc giảm thuế GTGT giúp giảm áp lực tài chính, mang lại sự an tâm cho người dân.

    2. Đối Với Doanh Nghiệp

    Doanh nghiệp, đặc biệt là các đơn vị sản xuất và kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT 10%, sẽ nhận được nhiều lợi ích lớn từ chính sách giảm thuế 2%. Đây là cơ hội để tối ưu hóa hoạt động và mở rộng quy mô:

    • Giảm chi phí sản xuất: Việc giảm thuế GTGT áp dụng cho nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra giúp doanh nghiệp cắt giảm một phần chi phí đáng kể, từ đó tăng lợi nhuận hoặc điều chỉnh giá bán hợp lý hơn.
    • Tăng khả năng cạnh tranh: Với giá bán thấp hơn, sản phẩm của doanh nghiệp trở nên hấp dẫn hơn trên thị trường, đặc biệt trong các ngành cạnh tranh cao như thực phẩm, đồ uống, hoặc hàng tiêu dùng nhanh.
    • Mở rộng thị trường và tạo việc làm: Khi tiêu thụ hàng hóa tăng nhờ giá cả hợp lý, doanh nghiệp có động lực mở rộng sản xuất, đầu tư vào công nghệ mới hoặc mở thêm chi nhánh, đồng thời tạo thêm cơ hội việc làm cho người lao động.
    • Khuyến khích đổi mới và phát triển bền vững: Số tiền tiết kiệm từ thuế có thể được doanh nghiệp tái đầu tư vào nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới hoặc cải thiện quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, đáp ứng xu hướng tiêu dùng hiện đại.