5 sắc thuế cần biết trong kinh doanh

Phần Mềm Phân Tích Tài Chính

5 sắc thuế cần biết trong kinh doanh

Ngày đăng: 27/05/2024 04:55 PM

    Thuế là một khoản thu tài chính bắt buộc của Nhà nước. Sau đó, Nhà nước bồi hoàn lại cho người nộp thuế một cách không trực tiếp thông qua việc dùng số tiền này để xây dựng thêm cơ sở hạ tầng, thực hiện các chính sách xã hội… Ngoài thuế ra, còn có các khoản phí, lệ phí, tiền sử dụng đất, tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính… Các khoản tiền này được coi như những công cụ tài chính để có thể điều tiết giàu nghèo, phân phối của cải vật chất trong xã hội. Ngoài ra, việc kê khai thuế cũng góp phần quản lý hành chính, nhằm phát hiện ra những khoản thu nhập hoặc những hành vi bất hợp pháp.

    Có năm sắc thuế đáng chú ý: thuế thu nhập, thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường. Các sắc thuế khác nhau thì dùng để đánh vào từng đối tượng chịu thuế khác nhau, có phương pháp tính, đối tượng riêng và được áp dựa vào những mục đích khác nhau.

    Thuế thu nhập:

    Đầu tiên là thuế thu nhập, có hai loại thuế đánh vào thu nhập, tuy nhiên đối tượng sẽ khác nhau là thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp. Các khoản phải nộp này được tính trên khoản tiền thu được từ hoạt động sản xuất kinh doanh có lời, từ tiền lương của người lao động hay tài sản có được thông qua nhận tặng cho.

    Mục đích chính của thuế thu nhập là đảm bảo công bằng xã hội, tài sản từ những người có thu nhập cao sẽ bị đánh thuế cao hơn, sao đó dùng số tiền này để việc trợ cấp hoặc cung cấp hàng hoá công cộng cho người có thu nhập thấp hoặc kích thích sản xuất, tạo ra môi trường sống tốt hơn cho mọi người.

    Do đó người có thu nhập dưới một mức nhất định nào đó sẽ không phải đóng thuế thu nhập và người giàu có đôi khi thắc mắc rằng họ không được hưởng những quyền lợi tương xứng với những gì họ phải nộp.

    Thuế xuất nhập khẩu:

    Sắc thuế đáng chú ý thứ hai là thuế xuất nhập khẩu, phát sinh khi có hàng hoá đi ra hoặc đi vào qua một cửa khẩu và một dịch vụ nào đó được cung cấp xuyên quốc gia.

    Đôi khi không phải toàn bộ hàng hoá nhập khẩu hay xuất khẩu đều bị đánh thuế, nguyên nhân là do thuế thu nhập được tạo ra với mục đích điều tiết hàng hoá, sản phẩm hay dịch vụ trong nước, do đó, những đối tượng chịu thuế xuất nhập khẩu khi thực tế làm bất bình đẳng cán cân sản xuất trong nước thì mới phải đóng thuế, hàng hoá được nhập khẩu với mục đích nghiên cứu khoa học hay viện trợ thì sẽ được miễn thuế.

    Và có một điểm đáng lưu ý nữa đó là hàng hoá khi ra vào các khu chế xuất, khu công nghiệp tuy cùng một quốc gia thì cũng chịu thuế xuất nhập khẩu. Mục đích của thuế xuất nhập khẩu là để kích thích sản xuất một ngành hàng nào đó.

     

    Ví dụ như việc đánh thuế nhập khẩu xe ôtô cao sẽ khuyến khích người dân trong nước sử dụng các hãng xe nội địa từ đó đem lại lợi thế cho các doanh nghiệp sản xuất ôtô như Vinfast, Thaco… các hãng xe quốc tế như Huyndai, Honda thì tích cực đầu tư xây dựng nhà máy tại Việt Nam, đem lại nguồn vốn cũng như lượng công ăn việc làm cho người lao động.

    Hoặc ở chiều ngược lại, việc nhập khẩu cây giống, vật nuôi, phân bón chịu thuế nhập khẩu 0% nhằm kích thích nền kinh tế sản xuất ở nước ta.

    Thuế Giá trị gia tăng:

    Thứ ba là thuế giá trị gia tăng (hay thuế VAT) đánh vào phần giá tăng thêm mua bán hàng hoá, dịch vụ và chỉ áp dụng trên phần giá trị tăng thêm mà không phải đối với toàn bộ giá trị hàng hóa, dịch vụ.

    Thuế giá trị gia tăng là một loại thuế gián thu, tức là người trực tiếp mang tiếng đi đóng thuế không phải là người chịu thuế, bởi vì thuế VAT đã được tính thêm trên giá bán hàng hoá, dịch vụ. Qua từng công đoạn, thuế VAT đã được người bán nộp sẽ được người mua hoàn lại, những người mua ở các giai đoạn sau cũng sẽ được người mua tiếp theo hoàn trả lại và cuối cùng người sử dụng hàng hoá, dịch vụ đó sẽ là người chi trả tiền nộp thuế thực sự.

    Đầu năm 2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong đó có nội dung giảm thuế xuống còn 8% trong năm 2022 đối với tất cả loại hàng hoá dịch vụ đang chịu thuế 10%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, sản phẩm khai khoáng và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt…

    Thuế tiêu thụ đặc biệt:

    Thứ tư là thuế tiêu thụ đặc biệt, đánh vào việc kinh doanh, nhập khẩu những hàng hoá, dịch vụ xa xỉ như rượu bia, du thuyền, kinh doanh vũ trường hay đánh golf.

    Nguyên nhân của sắc thuế này là do Nhà nước muốn điều tiết việc sử dụng tiền bạc của người dân thông qua nâng giá sản phẩm quá mức giá trị thông thường.

    Thực tế, ví dụ như một người nông dân dùng vốn của mình để mua hạt giống hay phân bón, trông cây sau đó xuất khẩu thu về ngoại tệ và dùng tiền kiến được để tiếp tục nhập khẩu hạt giống, phân bón thì ngoại tệ thu về sẽ được giữ lại trong nước, tư bản sẽ nằm lại trong lưu thông và tiếp tục sinh ra lợi nhuận, sản phẩm cho xã hội.

    Còn nếu người nông dân đó sử dụng tiền kiếm được để nhập khẩu du thuyền hay rượu ngoại thì phải dùng ngoại tệ vừa có để mua, sau này nếu muốn mua thêm hạt giống, phân bón thì phải dùng đến nguồn dự trữ ngoại tệ của đất nước, như vậy vừa gián tiếp làm mất giá trị tiền Việt Nam Đồng, vừa không đạt được mục đích phát triển kinh tế, xã hội.

    Thuế bảo vệ môi trường:

    Cuối cùng là thuế bảo vệ môi trường, cùng với thuế tài nguyên thiên nhiên, thuế sử dụng đất nông nghiệp… là những sắc thuế Tài nguyên thiên nhiên là nguồn tài sản quý giá của quốc gia thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý.

    Đối với các quốc gia có nguồn tài nguyên thiên nhiên dôi dào, phong phú, nếu được quản lý khai thác, sử dụng hiệu quả thì nó sẽ là nguồn lợi lớn và lâu dài cho sự phát triển của quốc gia đó.

    Để bảo đảm cho việc bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên đạt hiệu quả, tránh việc khai thác, sử dụng bừa bãi, lãng phí, gây ảnh hưởng đến môi trường sống, các quốc gia thường sử dụng nhiều công cụ và biện pháp khác nhau, trong đó có việc đánh thuế.